Cà chua chứa nhiều nước và ít purine
Ở nước ta, cà chua là một loại thực phẩm được sử dụng rất nhiều, và bạn có thể bắt gặp ở bất cứ đâu từ những dĩa cơm bình dân, đến những món ăn cao cấp trong nhà hàng... Bởi không chỉ chứa rất nhiều nước và Vitamin C, trong cà chua còn có lycopene (một chất chống oxy hoá mạnh mẽ) đồng thời cà chua cũng dễ chế biến các món ăn nên chúng rất được ưa chuộng.
Cà chua chứa đến 90% nước và lượng purin có trong cà chua cũng ở mức độ thấp. Như bạn biết đấy, một loại quả có chứa nhiều nước sẽ rất tốt cho những người bị bệnh gút. Ngoài ra nhờ hàm lượng Kali cao, hàm lượng đường thấp, cung cấp ít calo...nên chúng rất tốt cho sức khoẻ và thích hợp cho những người muốn bổ sung nước, khoáng chất một cách tự nhiên. Vậy tại sao cà chua lại được cho là nguyên nhân gây ra các cơn đau gút chỉ sau thịt và hải sản ?
Tại sao cà chua là nguyên nhân gây ra các cơn gút cấp ?
Vào tháng 08 năm 2015, Nhóm nghiên cứu tại Đại học Otago (New Zealand) tuyên bố rằng cà chua thực sự là một tác nhân gây ra các cơn đau gút.Trong một cuộc khảo sát được thực hiện trên diện rộng, các nhà nghiên cứu đã thống kê được quá trình ăn uống hàng ngày của những bệnh nhân tình nguyện tham gia. Họ nhận thấy rằng cà chua xuất hiện hầu hết trong thực đơn của mọi người trước khi xuất hiện các cơn đau do gút cấp tính gây ra. Và trong các nguyên nhân chính dẫn đến các cơn đau gút, cà chua được cho là một nguyên nhân đứng thứ 4, chỉ sau rượu, hải sản, thịt đỏ.
Những thông tin này sau đó đã được gộp chung và phân tích từ các cuộc nghiên cứu khác của Mỹ để so sánh. Dựa trên các dữ liệu thu thập được, người ta có thể dễ dàng thấy rằng ăn nhiều cà chua làm tăng nồng độ acid uric trong máu.
Dưới đây là một trích dẫn của một nhà nghiên cứu:
"Kết quả nghiên cứu của chúng tôi không nói rằng cà chua là tác nhân chính gây ra các cơn gút cấp, tuy nhiên các số liệu cho thấy việc ăn nhiều cà chua sẽ làm tăng nồng độ acid uric trong máu."
Một hợp chất gọi là glutamate có trong cà chua có khả năng "kích thích và khuếch đại sự tổng hợp urate natri (chất lắng động tại khớp, gây đau) bằng cách cung cấp nitơ trong quá trình tổng hợp purine". Đây chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng nồng độ acid uric trong máu tăng cao khi ăn cà chua.
Bệnh gút và cà chua
Mặc dù cà chua rất bổ dưỡng và thoạt nhìn có vẻ như nó rất thích hợp cho những người bị gout. Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng một cách hạn chế nhằm cân bằng chế độ ăn uống.Nếu bạn thường xuyên dùng các sản phẩm đóng hộp có cà chua như cá hộp, thịt hộp... hãy xem kỹ thành phần dinh dưỡng trong đó (xem hàm lượng đường, muối, natri..) để có cái nhìn tổng thể nhằm cân bằng chế độ dinh dưỡng một cách hợp lý, tránh tạo nền tảng cho các cơn gút cấp tấn công chính mình.